Thứ sáu, 19/04/2024 - 20:09|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Đội Cấn

Một số biện pháp khắc phục "Bệnh" thành tích trong việc đánh giá,xếp loại học sinh trung học phổ thông.

Hiện nay, xu hướng đánh giá trong giáo dục là đánh giá dựa theo năng lực người học. Đánh giá năng lực nhằm giúp giáo viên có thông tin kết quả học tập của học sinh để điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giúp học sinh điều chỉnh hoạt động học tập, giúp giáo viên và nhà trường xác nhận, xếp hạng kết quả học tập.

    1. Mục đích của đánh giá:

Đánh giá được hiểu là quá trình hình thành những nhận định, phán đoán về kết quả công việc, dựa vào sự phân tích những thông tin thu được đối chiếu với mục tiêu, tiêu chuẩn đã đề ra, nhằm đề xuất những quyết định thích hợp để cải thiện thực trạng, điều chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục. Như vậy, đánh giá trong giáo dục không chỉ ghi nhận thực trạng mà còn đề xuất những quyết định làm thay đổi thực trạng giáo dục theo chiều hướng mong muốn của xã hội.

Việc đánh giá học sinh nhằm các mục đích sau:

          - Làm sáng tỏ mức độ đạt được và chưa đạt được về các mục tiêu dạy học, tình trạng kiến thức, kĩ năng, kỉ xão, thái độ của học sinh so với yêu cầu của chương trình; phát hiện những sai sót và nguyên nhân dẫn tới những sai sót đó, giúp học sinh điều chỉnh hoạt động học tập của mình.

          - Công khai hóa các nhận định về năng lực, kết quả học tập của mỗi em học sinh và cả tập thể lớp, tạo cơ hội cho các em có kĩ năng tự đánh giá, giúp các em nhận ra sự tiến bộ của mình, khuyến khích động viên và thúc đẩy việc học tập ngày một tốt hơn.

          - Giúp giáo viên có cơ sở thực tế để nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình, tự điều chỉnh, hoàn thiện hoạt động dạy, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.

Như vậy có thể thấy, việc kiểm tra, đánh giá học sinh nghiêm túc có ý nghĩa rất lớn đối với cả học sinh, giáo viên và nhà quản lý.

2. Ý nghĩa của việc đánh giá, xếp loại học sinh

       - Đối với học sinh: Việc kiểm tra, đánh giá nghiêm túc tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh hình thành nhu cầu, thói quen tự kiểm tra, đánh giá, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong học tập và ý chí vươn tới những kết quả học tập ngày càng cao, khắc phục tư tưởng đối phó với thi cử; nâng cao ý thức kỷ luật tự giác, không có thái độ và hành động sai trái trong thi cử. Củng cố được sự tự tin vào sức lực khả năng của mình, đề phòng và khắc phục được tính ỷ lại, tính tự kiêu tự mãn, chủ quan; phát huy được tính độc lập sáng tạo, tránh được chủ nghĩa hình thức, máy móc trong kiểm tra. Nâng cao ý thức tập thể, tạo được dư luận lành mạnh, đấu tranh với những tư tưởng sai trái trong kiểm tra, đánh giá, tăng cường được mối quan hệ thầy trò…

       - Đối với giáo viên: Kiểm tra, đánh giá, kết hợp theo dõi thường xuyên các em tạo điều kiện cho người giáo viên nắm được cụ thể và khá chính xác trình độ năng lực của từng học sinh trong lớp do mình giảng dạy hoặc giáo dục, từ đó có những biện pháp giúp đỡ thích hợp, trước hết là đối với học sinh khá giỏi và học sinh yếu kém, qua đó mà năng cao chất lượng học tập chung của cả lớp. Kiểm tra, đánh giá tạo cơ hội cho giáo viên cải tiến nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mà mình đang tiến hành; đồng thời hoàn thiện việc dạy học của mình bằng con đường nghiên cứu khoa học giáo dục.

       - Đối với cán bộ quản lý giáo dục: Kiểm tra, đánh giá học sinh sẽ cung cấp cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp những thông tin cần thiết về thực trạng dạy và học trong đơn vị giáo dục mình quản lý để có những chỉ đạo kịp thời, uốn nắn những sai lệch nếu có; khuyến khích, hỗ trợ những sáng kiến hay đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu giáo dục.

3. Vai trò của kiểm tra đánh giá

Trong nhà trường hiện nay, việc dạy học không chỉ chú trọng đến dạy cái gì mà cần quan tâm đến dạy học như thế nào. Đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu cấp bách có tính chất đột phá để nâng cao chất lượng dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ từ đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy học cho đến kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học. Kiểm tra, đánh giá có vai trò rất to lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Kết quả của kiểm tra, đánh giá là cơ sở để điều chỉnh hoạt động dạy, hoạt động học và quản lí giáo dục. Nếu kiểm tra, đánh giá sai sẽ dẫn đến nhận định sai về chất lượng đào tạo, tác hại to lớn trong việc sử dụng nguồn nhân lực. Vậy đổi mới kiểm tra, đánh giá trở thành nhu cầu bức thiết của ngành Giáo dục và toàn xã hội ngày nay. Kiểm tra, đánh giá đúng thực tế, chính xác và khách quan sẽ giúp người học tự tin, hăng say, nâng cao năng lực sáng tạo trong học tập.

II.THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ

   Đưa ra được tính cấp thiết, quan trọng của đánh giá xếp loại học sinh trung học, đưa ra minh chứng cụ thể để tăng tính thuyết phục. Trong phần này đánh giá cả mặt thuận lợi, khó khăn, những ưu điểm, hạn chế của vấn đề.

1. Tính cấp thiết, quan trọng của đánh giá xếp loại học sinh trung học:

  - Đánh giá xếp loại học sinh trung học thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GDĐT tại Thông tư số58/2011/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ngày 12/12/2011. 

- Đánh giá xếp loại học sinh trung học nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Đánh giá xếp loại học sinh trung học nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy tiếp cận với thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu từ năm học 2019-2020.

    Hiện nay, xu hướng đánh giá trong giáo dục là đánh giá dựa theo năng lực người học. Đánh giá năng lực nhằm giúp giáo viên có thông tin kết quả học tập của học sinh để điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giúp học sinh điều chỉnh hoạt động học tập, giúp giáo viên và nhà trường xác nhận, xếp hạng kết quả học tập.

2. Đánh giá chung, nguyên nhân

  2.1. Ưu điểm:

   - Đa số các trường THPT thực hiện nghiêm túc Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ngày 12/12/2011.

  - Các trường bước đầu đã đổi mới KTĐG để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học nhằm thực hiện Nghị quyết 29 và chuẩn bị cho thay đổi chương trình, SGK bắt đầu từ năm học 2019-2020.

Đại đa số cán bộ quản lý , giáo viên và học sinh các trường trung học nhận thức được vai trò của công tác kiểm tra đánh giá đối với quá trình dạy và học.

Công tác kiểm tra đánh giá có sự chỉ đạo thống nhất từ Sở GD&ĐTđến các trường trung học, và từ BGH đến tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên trong trường.

  - Đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hoạt động kiểm tra

2.2. Biểu hiện của bệnh thành tích trong kiểm tra, đánh giá học sinh hiện nay

Trong kiểm tra đánh giá hiện nay, còn biểu hiện thành tích ở một số mặt như sau:

- Về đánh giá hạnh kiểm học sinh: Các tiêu chí đánh giá xếp loại hạnh kiểm hiện nay còn nặng về định tính nên chưa thực sự thống nhất trong việc áp dụng giữa các nhà trường. Vì vậy, nhiều trường đã đưa ra các chỉ số và mức độ cụ thể đối với từng loại hạnh kiểm để thuận lợi hơn trong đánh giá và xếp loại. Việc làm này dẫn đến sự không thống nhất về đánh giá, xếp loại hạnh kiểm giữa các trường; có tình trạng đánh giá, xếp loại học sinh ở một số trường còn nương nhẹ với người học, đánh giá xếp loại hạnh kiểm chưa thật đúng với mức độ rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của học sinh.

- Về kiểm tra, đánh giá học lực của học sinh: đây là mặt mà biểu hiện về bệnh thành tích có phần lớn hơn so với việc đánh giá hạnh kiểm. Cụ thể:

+ Về ra đề kiểm tra: bệnh thành tích biểu hiện trong việc ra đề kiểm tra chưa đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của nội dung dạy học hay nói các khác là giáo viên ra đề kiểm tra quá dễ không đảm bảo các mức độ phân hóa cần có của bài kiểm tra.

+ Khâu coi kiểm tra, thi nếu không được thực hiện nghiêm túc, chống gian lận hoặc trao đổi kiến thức trong quá trình làm bài kiểm tra cũng dễ dẫn đến bệnh thành tích và làm sai lệch kết quả học tập của học sinh.

+ Khâu chấm bài kiểm tra cũng cần có sự khách quan của người giáo viên để đảm bảo bài chấm được chấm đúng đáp án, biểu điểm; khâu này cũng có thể làm sai lệch kết quả học tập của học sinh nếu giáo viên có ý nâng đỡ học sinh hoặc chạy theo thành tích cá nhân trong giảng dạy.

Đặc biệt, hiện nay có tình trạng một số giáo viên bộ môn có thể ra đề theo ma trận chuẩn, coi và chấm bài theo đáp áp nghiêm túc nhưng chỉ lấy điểm vào sổ những học sinh có điểm kiểm tra đạt yêu cầu trở lên, còn những học sinh có bài kiểm tra đạt điểm yếu thì không lấy điểm và cho kiểm tra lại (có thể nhiều lần) đến khi đạt điểm yêu cầu trở lên.

- Một số nhà trường có tình trạng giao khoán chất lượng chuyên môn không sát thực tế, thường là yêu cầu cao về tỷ lệ học sinh khá, giỏi và trung bình; do đó, giáo viên cũng phải chịu áp lực trong quá trình dạy học nói chung, kiểm tra đánh giá học sinh nói riêng.

- Một thực tế khác không dễ chịu cũng dẫn đến bệnh thành tích hiện nay là còn một số giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của bậc học, chưa đáp ứng được nội dung chương trình dạy học nên trong quá trình kiểm tra và đánh giá học sinh cũng thường làm giảm các yêu cầu học sinh cần phải đạt được trong học tập và rèn luyện.

- Cán bộ quản lý các cấp, Ban Giám hiệu các nhà trường chưa có giải pháp hữu hiệu trong quản lý chất lượng giáo dục của đơn vị, sính thành tích cá nhân cũng là những nguyên nhân dẫn đến bệnh thành tích. Đây có thể coi là gốc rễ của bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay bởi nếu cán bộ quản lý, Hiệu trưởng nhà trường kiên quyết nói không với bệnh thành tích thì các nguyên nhân và biểu hiện thành tích từ phía giáo viên sẽ được hạn chế cơ bản.

- Một nguyên nhân khác cũng dẫn tới bênh thành tích, đó là việc các nhà trường chưa chú trọng hướng dẫn học sinh biết cách tự đánh giá quá trình học tập của bản thân, chưa biết đánh giá lẫn nhau giữa các học sinh; quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh của giáo viên chưa được công khai kịp thời.

2.3. Những khó khăn trong kiểm tra, đánh giá hiện nay

- Thông tư 58 của Bộ GDĐT đưa ra các căn cứ đánh giá, tiêu chuẩn và xếp loại nhưng có sự trùng lắp (giữa căn cứ và tiêu chuẩn) và chưa có độ phân biệt, ranh giới rõ ràng giữa các mức xếp loại (tốt, khá, trung bình, yếu) nên GV rất lúng túng khi vận dụng.

Hiện tại, giáo viên còn gặp phải một số khó khăn trong công tác kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học. Cụ thể:

   Một là: Giáo viên chưa thực sự hiểu một cách sâu sắc về nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học. Vì vậy giáo viên còn lúng túng trong quá trình kiểm tra đánh giá. Việc lựa chọn các câu hỏi trong các bài kiểm tra còn chưa mang lại hiệu quả tốt trong việc đánh giá năng lực của người học, chưa có độ phân hóa người học cao. Suy nghĩ của người giáo viên vẫn theo lối mòn của các hình thức kiểm tra và đánh giá cũ đó là kiểm tra và đánh giá kiến thức của người học mà vẫn chưa xem trọng việc đánh giá năng lực, quá trình học tập và sự tiến bộ của người học.

   Hai là: Phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh hiện nay đơn điệu, thiếu tính thực tiễn và sáng tạo; chủ yếu là làm bài kiểm tra trên giấy, với các hình thức: tự luận, trắc nghiệm khách quan và hiện tại đang tăng cường hình thức: vấn đáp, thực hành. Các hình thức này chủ yếu kiểm tra mức độ nắm vững kiến thức đã họcđể giải một số bài tập mà chưa đánh giá được một số kỹ năng mềm như thuyết trình, xử lý tình huống, làm việc nhóm, tư duy độc lập sáng tạo. Các phương pháp như người học tự đánh giá, đánh giá theo dự án chỉ được thực hiện đơn lẻ hoặc trong các đề tài nghiên cứu khoa học.

   Ba là: Kiểm tra đánh giá tập trung nhiều vào mục tiêu dạy kiến thức mà chưa chú trọng đến mục tiêu kỹ năng của người học. Việc đo lường năng lực người học chủ yếu dựa vào điểm số các bài thi, trong khi những tiêu chí rất quan trọng như sức khỏe, kĩ năng sống, lý tưởng của người học chưa được quan tâm đúng mức. Việc kiểm tra đánh giá hiện nay chưa thúc đẩy tăng cường một số kỹ năng ở người học như: kỹ năng làm việc độc lập, năng lực sáng tạo, năng lực sử dụng công nghệ thông tin, khả năng hợp tác với những người xung quanh, khả năng giải quyết xung đột cá nhân, mức độ tham gia các hoạt động tập thể, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng đặt mục tiêu để hoàn thiện trong tương lai. Việc đánh giá về đạo đức và sự tiến bộ của người học còn chưa được đề cao. Việc coi trọng đánh giá về đạo đức và sự tiến bộ của người học không chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp đỡ người học tiến bộ mà sự phối hợp giữa giáo viên và gia đình trong việc giáo dục người học cũng sẽ được nâng cao hiệu quả.

   Bốn là: Việc kiểm tra theo hình thức thông qua các bài kiểm tra định kìđôi khi không đạt hiệu quả cao, chưa đánh giá đúng thực chất cả quá trình học tập của người học. Ngoài ra, quá trình tự học chưa được người học nhận thức đúng, người học chưa dành nhiều thời gian cho việc tự học, tự nghiên cứu; còn tình trạng học tủ, học lệch, học để đối phó với các kỳ thi nên kiểm tra qua các bài định kỳ không đánh giá hết thực chất quá trình học tập của học sinh.

2.3. Nguyên nhân

   - Vì thành tích của các đơn vị, nhất là thành tích đạt trường chuẩn quốc gia, có tiêu chí về chất lượng học sinh (học sinh giỏi đạt 3% trở lên, học sinh học lực khá đạt 35% trở lên).

   - Vì quyền lợi của học sinh, nhất là học sinh lớp 12. Trong xét tốt nghiệp THPT có cộng điểm TB lớp 12 (chiếm 50% điểm xét tốt nghiệp).

   - Cán bộ quản lý một số trường trung học chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.

   - Một số giáo viên do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác này nên chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về quy chế kiểm tra đánh giá.

   - Việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra đánh giá đôi lúc còng lúng  túng, chưa hợp lý.

   - Sự phối kết hợp các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá chưa phù hợp và chưa hiệu quả.

   - Sự phối hợp giữa các bộ phận trong nhà trường chưa đồng bộ và thiếu khoa học.

  - Công tác thanh, kiểm tra hoạt động kiểm tra đánh giá còn chưa được chú trọng, thiếu đi sự nhắc nhở, điều chỉnh kịp thời của các cấp lãnh đạo trong trường trung học

III. GIẢI PHÁP

   1. Giải pháp 1: Tăng cường kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh

          - Xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng đầu năm, kiểm tra cuối học kỳ, kiểm tra định kỳ, kiểm tra thường xuyên.

          - Tổ chức kiểm tra tập trung toàn khối các môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ.

          - Chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn thống nhất nội dung, kiến thức, kỹ năng trọng tâm, phân công giáo viên ra đề kiểm tra. Đề thi đảm bảo chính xác, bảo mật, kiến thức cơ bản, đúng trọng tâm, phân loại được học sinh, đồng thời kết hợp giữa hình thức trắc nghiệm và tự luận tùy theo môn học.

         - Tổ chức cho giáo viên và học sinh học tập qui chế thi. Tiến hành coi thi, chấm thi nghiêm túc, đảm bảo khách quan, công bằng.

           - Cần có các biện pháp mạnh xử lí các giáo viên và học sinh vi phạm qui chế thi.

          - Cần đánh giá phân tích kết quả sau mỗi lần tổ chức thi. Rút kinh nghiệm về các khâu ra đề, coi thi, chấm thi, việc dạy và học tập của học sinh. Để từ đó có các điều chỉnh cho phù hợp.

 

2. Giải pháp 2: Nâng cao nhận thức cho học sinh về công tác kiểm tra đánh giá

     Phổ biến đến học sinh và phụ huynh học sinh đầy đủ các quy định trong quy chế, quan trọng hơn, nhà trường cần giải thích cho họ hiểu ý nghĩa của quy định này và mục đích vai trò của kiểm tra đánh giá. Nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt ngoại khoá để giới thiệu với học sinh về tầm quan trọng của kiểm tra đánh giá. Qua thực tế nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi nhận thấy được một yếu tố dẫn đến chất lượng của hoạt động kiểm tra đánh giá chưa cao, đó chính là do nhận thức của các em học sinh về công tác này chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, đặc biệt là nhận thức về vai trò và chức năng của kiểm tra đánh giá. Do đó, một số học sinh khi thực hiện kiểm tra đánh giá thiếu nghiêm túc, nên các em đó chưa nhận được lợi ích đích thực của hoạt động kiểm tra đánh giá mang lại cho quá trình học tập của các em.

 

   Đối tượng của kiểm tra đánh giá ở đây là học sinh, vì thế cần thiết phải cung cấp cho các em kế hoạch và nội dung kiểm tra ngay từ đầu mỗi học kỳ  hoặc đầu mỗi năm học, để học sinh chủ động cho kế hoạch học tập và phấn đấu trong học kỳ hay năm học đó.

  Giáo viên giới thiệu các tài liệu tham khảo của môn học mà mình đảm nhiệm, khuyến khích các em tìm tòi, sưu tầm các tài liện liên quan đến môn học, giúp các em tự mở rộng thông tin. Hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự kiểm tra đánh giá, để các em phát triển khả năng tự học theo mục tiêu môn học, tiêu chí đánh giá và hơn cả là khả năng tự học tập suốt đời.

    Nhắc nhở học sinh nghiêm túc trong kiểm tra đánh giá, chống lại các biểu hiện tiêu cực trong thi, kiểm tra. Đồng thời giáo viên và nhà trường nghiêm  khắc xử lý các học sinh vi phạm quy chế kiểm tra đánh giá để làm gương cho học sinh toàn trường.

3. Giải pháp 3: Xây dựng kế hoạch và quy trình kiểm tra đánh giá cho các môn học

Công tác kiểm tra đánh giá tại các trường trung học đạt hiệu quả và đảm bảo chất lượng giáo dục nếu tuân thủ một quy trình khoa học. Cụ thể:

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá cho các môn học.

- Xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá cho các môn học.

- Quản lý quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.

 

4. Giải pháp 4: Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kiểm tra - đánh giá kết quả học tập của học sinh

        Công tác kiểm tra do lãnh đạo nhà trường, đặc biệt là lãnh đạo bộ phận chuyên môn đảm nhiệm. KT được thực hiện thường xuyên liên tục trong tất cả các khâu, tất cả các công việc. Thông qua KT, cán bộ quản lý điều hành nhắc nhở, uốn nắn nhân viên của mình để tránh những sai sót có thể xảy ra, kịp thời điểu chỉnh những việc làm sai và đảm bảo các công việc được hoàn thành đúng tiến độ và quy định. Công tác KT cần phải liên tục và sâu sát hơn công tác thanh tra. Đặc biệt, công tác KT còn phải chú trọng đến vấn đề chuyên môn. Đối với một số môn thi, lãnh đạo nhà trường cùng với bộ phận Khảo thí nhờ những giáo viên giỏi chuyên môn có uy tín cao để KT nội dung đề thi và chấm thi. Các giáo viên đó có thể xem xét và xác định đề thi có đáp ứng được các yêu cầu mục tiêu môn học không và chọn xác suất một số bài thi để chấm lại. Việc KT nội dung đề thi chỉ cần làm với những đề thi không lấy trong ngân hàng đề, việc KT chấm thi chú trọng tới những bài do cán bộ chấm. Ngoài ra, cần có cơ chế KT lẫn nhau trong từng bộ phận và giữa các bộ phận đảm bảo mọi công việc được thực hiện chính xác, khách quan. KT tránh hình thức và phải xử lý kỷ luật hay khen thưởng thoả đáng và kịp thời.

5. Giải pháp 5:Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra - đánh giá

      - Sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý toàn bộ hoạt động dạy và học của nhà trường, đặc biệt là hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Xây dựng các phần mềm tin học để quản lý kết quả học tập rèn luyện của học sinh.

 

      - Quản lý ngân hàng đề thi, đáp án, tài liệu, đề tài nghiên cứu khoa học.

      - Quản lý việc cấp phát bằng, chứng chỉ.

      - Sử dụng công nghệ thông tin để quản lý, đánh giá chất lượng giáo dục.

     - Công khai hoá trang web và mạng nội bộ để học sinh có điều kiện trao đổi trực tiếp với giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường để được giải đáp những thắc mắc về nội dung, chương trình các môn học, kết quả điểm thi, kiểm tra, rèn luyện,... tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên thường xuyên trao đổi với nhau về nội dung chương trình môn học, phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập, rèn luyện của con em mình.

KẾT LUẬN

1. Kết luận

   Vấn đề đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới phương tiện, thiết bị dạy học, công tác quản lý không thể thiếu được đổi mới kiểm tra đánh giá. Bởi vì, đổi mới kiểm tra đánh giá chính là động lực để đổi mới phương pháp dạy học.

    Từ những cơ sở thực tiễn của công tác kiểm tra đám giá, qua phân tích thực trạng công tác kiểm tra đánh giá ở các trường trung học trẻn địa bàn tỉnh Tuyên Quang chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp quản lý công tác kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Với thực tiễn chúng tôi đã khảo sát và mô tả tổng thể về thực trạng công tác kiểm tra, đánh giá  tại các nhà trường, từ đó rút ra được những mặt mạnh và mặt yếu của công tác này để từ đó đề xuất các biện pháp khắc phục. Chúng tôi đưa ra một số giải  pháp chỉ đạo vừa mang tính thực tiễn  vừa mang tính khả thi là:

   - Tăng cường kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh

   - Nâng cao nhận thức cho học sinh về công tác kiểm tra đánh giá

   - Xây dựng kế hoạch và quy trình kiểm tra đánh giá cho các môn học

   - Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kiểm tra - đánh giá kết quả học tập của học sinh

   - Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra - đánh giá

2. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đổi mới “căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường  định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

- Điều chỉnh Thông tư số:58/2011/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ngày 12/12/2011 để phù hợp với chương trình, SGK mới.

- Ra văn bản hướng dẫn về đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm đổi mới phương pháp dạy và học.

- Tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên cốt cán các tỉnh về đổi mới kiểm tra, đánh giá để thực hiện chương trình, SGK mới bắt đầu từ năm học 2019-2020. 

Phạm Hồng Quân

                     

                                                                                                                                                                              

Lượt xem: 77.571
Tác giả: Phòng GDTrH, Sở Giáo dục và Đào tạo
Nguồn:tuyenquang.edu.vn Copy link
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9
Hôm qua : 1
Tháng 04 : 68
Năm 2024 : 2.727